HUỲNH NHỰT AN
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 


Rechercher Advanced Search

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     

Calendar Calendar

Latest topics
» LỚP NGỮ VĂN 1A-K09 (PHẦN 3)
MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO EmptySat Dec 31, 2011 7:11 pm by Admin

» LỚP NGỮ VĂN 1A-K09 (PHẦN 2)
MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO EmptySat Dec 31, 2011 7:03 pm by Admin

» THƠ TẾ HANH
MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO EmptySat Dec 31, 2011 6:55 pm by Admin

» Có quen không??!
MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO EmptyMon Dec 05, 2011 5:47 pm by Admin

» MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO
MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO EmptyThu Nov 17, 2011 9:30 pm by Admin

» Hình xưa, bạn cũ
MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO EmptyTue Oct 25, 2011 6:11 pm by Admin

» Áo dài Việt Nam
MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO EmptyMon Oct 10, 2011 9:51 pm by Admin

» Thơ Lưu Trọng Lư
MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO EmptySun Sep 25, 2011 12:34 pm by Admin

» Trang Thơ hay
MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO EmptyFri Sep 23, 2011 10:29 pm by Admin

Social bookmarking

Social bookmarking reddit      

Bookmark and share the address of HUỲNH NHỰT AN on your social bookmarking website


MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO

Go down

MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO Empty MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO

Bài gửi  Admin Thu Nov 17, 2011 9:21 pm

MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO

(Nguyễn Trọng Bình)

1.
Trước hết, tôi – người viết bài này muốn nói rằng tôi thành thật bày tỏ lòng kính trọng của tôi đối với ông Trần Mạnh Hảo ở phương diện sự kính trọng của một người trẻ dành cho người lớn tuổi hơn mình – một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, lòng kính trọng ấy còn tồn tại trong kí ức tôi trong những năm tháng còn là sinh viên khi lần đầu tiên tiếp xúc với thơ ông. Đến giờ tôi vẫn nhớ bài thơ tứ tuyệt của ông (theo tôi) là rất hay:
Gấu xơi toàn mật ong
Mà sinh ra mất gấu
Lấy cái ngọt tận cùng
Để làm cái đắng nhất!
Vì cũng đã lâu rồi tôi không biết mình ghi lại có đúng chính xác từng câu chữ giống như nguyên bản không, tuy nhiên điều ấy không quan trọng, quan trọng là tôi thấy Trần Mạnh Hảo là người làm thơ có không ít bài thơ hay.
2
Tuy nhiên, tất cả những điều ấy thực ra chũng chỉ là chuyện “bên lề” nếu đặt lên bàn học thuật – cụ thể là lên bàn phê bình văn học. Vì thế, tôi xin được mạn phép giữ nguyên lòng kính trọng ấy trong lòng và tạm thời gạt chúng sang một bên để thưa chuyện với ông Trần Mạnh Hảo với tư cách ông là nhà viết phê bình văn học nghệ thuật nói chung để đảm bảo cho vô tư và khách quan. Nhân đây cũng xin thưa với ông là tôi chỉ là một người bình thường, chẳng quen biết (ngoài đời) với bất kì nhà văn nhà thơ nào trên văn đàn hiện nay (khi tôi viết về văn chương của họ) có chăng chỉ là “biết” qua việc tiếp xúc với tác phẩm của họ mà thôi. Thưa với ông thế này để ông và bạn đọc yên tâm rằng tôi viết bài này không do một “sếp” nào hay cấp trên nào “xúi giục” hay “chỉ đạo” cả mà chẳng qua muốn nghiêm túc và thẳng thắng hầu chuyện cùng ông một lần xung quanh chuyện ông viết bài phê bình ÔNG LẠC HUẤN : ĐỐI THOẠI HAY ĐỐI THỤI? trên trannhuong.com có đề cập đến tôi mà thôi.
***
Trước đây, khi còn “ngồi trên ghế nhà trường” tôi từng tiếp xúc với quyển “Văn học – Phê bình – Nhận diện” hay có tên gọi khác là “Hầu chuyện các giáo sư” của ông Trần Mạnh Hảo. Nói thật lúc ấy tôi thấy vô cùng thích thú và cũng rất hâm mộ ông. Tuy nhiên, cũng phải nói cho công bằng là khi ấy tôi còn rất trẻ, sự hiểu biết về cuộc sống và văn chương nghệ thuật nói chung so với hiện tại còn rất nhiều hạn chế. Vì thế, theo tháng năm, khi đã ít nhiều trưởng thành hơn tôi đọc lại Hầu chuyện các các giáo sư và phát hiện ra rằng: đó là quyển sách trước hết cho thấy tác giả (ngay thời điểm ấy – tôi muốn nhấn mạnh là ngay thời điểm ấy) là một người bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật – một vấn đề mà ít người làm được; đó là quyển sách cho thấy tác giả là người có một năng lực thẩm định văn chương khá tốt (nhất là thẩm thơ); đó là quyển sách nếu nhìn ở góc độ phương pháp phê bình thì phần nhiều là… hỏng nhất là ở hai phương diện: tư duy về tính hệ thống và tính khái quát và vấn đề “phương pháp phê bình” (vấn đề này tôi xin chứng minh ở phần sau). Cho nên, tóm lại kết luận chung của tôi về quyển sách trên trong thời gian sau này là: phần đóng góp nói chung về học thuật của quyển sách này là có nhưng không nhiều, tuy nhiên cần phải thừa nhận tác giả là người dám nói thẳng nói thật trong hoàn cảnh mà ít người Việt Nam thời đó dám nói.
***
Tôi dong dài về chuyện này là để nhằm nói rằng, với tôi khi đọc những bài viết về phê bình văn học của ông Trần Mạnh Hảo trước đây và nhất là bây giờ tôi thấy nổi bật lên mấy vấn đề cần phải giải quyết là:
Thứ nhất, mười mấy hai mươi năm qua từ khi ông Hảo cầm bút viết phê bình văn học đã mang lại hiệu quả gì (tôi muốn nói là sau những bài phê bình chủ yếu là “chê” và “xổ toẹt của ông thì hiệu quả và chất lượng sáng tác của các nhà văn Việt Nam như thế nào; có nâng tầm văn học hay rộng hơn là văn hóa nước nhà lên hay không?).
Thứ hai, ông Trần Mạnh Hảo thật sự có phải là nhà phê bình văn học có tâm và có tài như có không ít người đã tung hô hay không (ý tôi muốn nói tâm và tài ở lĩnh vực viết phê bình văn học thôi).
3
Bây giờ tôi xin được phép trả lời hai vấn đề quan trọng mà tôi mới nêu ra ở trên
3.1 Đối với vấn đề thứ nhất: Tôi xin trả lời ngay là, hiệu quả và những ảnh hưởng đối với đời sống văn học và xã hội từ những bài viết phê bình của ông Trần Mạnh Hảo là không cao. Tôi xin chứng minh điều vừa nói là, từ khi bắt đầu viết phê bình) ông Hảo từng viết rất nhiều bài phê phán “thơ dở, văn tệ” của không ít “nhà thơ”, “nhà văn”; phê phán nhiều người trước thực trạng ấy nhưng vẫn cứ “bốc thơm” nhau. Và đến nay ông Hảo vẫn tiếp tục viết những bài phê phán như thế (tiêu biểu như loạt bài ông vừa phê thơ Trần Gia Thái và những người bốc thơm thơ Trần Gia Thái). Hay nói cách khác, mười mấy hai mươi năm qua Trần Mạnh Hảo vẫn cứ “chê”, cứ “phang”, cứ “nhổ toẹt” thế nhưng mọi chuyện vẫn cứ đâu vào đấy, không có chuyển biến tích cực gì cả. (ý tôi là thơ Việt hiện tại vẫn cứ dở và người ta thì vẫn cứ “bốc thơm” nhau như thời trước đây mà ông Hảo đã phê phán). Vì nếu có chuyển biến thì Trần Mạnh Hảo không “tức khí” viết loạt bài liên quan đến thơ Trần Gia Thái như vừa rồi. Thế thì cần phải giải thích chuyện này sao đây? Theo tôi có hai lý do:
Thứ nhất, như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã lý giải xã hội chúng ta đang có sự khủng hoảng về văn hóa xã hội rất đáng báo động; những cái giả “văn hóa” đang lên ngôi và lẫn át những “cái thật” văn hóa (tôi tạm gọi thế). Chính điều này làm cho Trần Mạnh Hảo dù nhiều lần lên tiếng cảnh báo, cảnh tỉnh thế nhưng nhìn chung vẫn không thay đổi bao nhiêu (dĩ nhiên tôi chỉ nói văn hóa ở phạm vi hẹp có liên quan đến đời sống văn chương nước nhà thôi).
Thứ hai, điều này quan trọng hơn: những bài viết phê bình của ông Hảo theo tôi, ngoài tập “Thơ phản thơ” là tương đối xuất sắc thì còn lại phần nhiều không đáng gọi là phê bình theo đúng nghĩa của thuật ngữ phê bình văn học. Vì sao tôi nói như vậy? Xin thưa vì là “phương pháp” phê bình của ông Hảo có vấn đề.
Có thể nói thế này, nghiêm túc mà nói có không ít bài phê bình của Trần Mạnh Hảo nhìn kỹ lại thì chủ yếu chỉ vận dụng “phương pháp cơ học” chứ không thấy bóng dáng của “phương pháp” thể hiện tư duy trong nghiên cứu văn học.
Và đây cũng chính là điều tôi muốn nói ở mục 2, nhìn chung các bài phê bình của Trần Mạnh Hảo nhất là những bài gần đây đều bộc lộ một lộ hổng chết người đó là tính hệ thống, tính khái quát vấn đề. Ngoài ra, con một lổ hổng nữa là Trần Mạnh Hảo trong khi phê bình văn học lại không xuất phát, không căn cứ vào những đặc trưng vốn có của văn chương nghệ thuật lại rất đi xuất phát từ những chuyện “bên lề văn học”, “ngoài học thuật” để làm việc. Cho nên, dù Trần Mạnh Hảo có một sự nhạy bén là có thể phát hiện ra cái không hay, cái tệ, cái dở ngay ở lần đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm văn học thế nhưng để thuyết phục người khác nghe theo mình bằng một phương pháp phê bình đúng nghĩa thì ông thường chưa làm được. Tôi xin ví dụ và chứng minh những điều vừa nói ở trên để khỏi mất công Trần Mạnh Hảo đọc tới đây lại bảo tôi hãy chỉ ra bài nào, câu nào, dòng nào ông Hảo đã làm như thế.
Vừa qua khi ông chê thơ Trần Gia Thái, phê phán sự “bốc thơm” của Hữu Thỉnh và Nguyễn Sĩ Đại, nhìn tổng thể tôi đồng tình với ông là thơ Trần Gia Thái (qua mấy câu thơ mà ông và những người đã bốc thơm trần gia thái trích dẫn ra) là không hay. Tuy nhiên, để chỉ ra cái không hay ấy đó Trần Mạnh Hảo đã xuất phát từ đâu? Bằng cách làm như thế nào? Xin hãy đọc lại vài đoạn của ông Hảo trong bài viết “Nhà thơ bốc thơm nhà thơ…” của ông khi phê bình thơ Trần Gia Thái và người khen ngợi Nguyễn Sĩ Đại sẽ tự trả lời được ngay:
“Thưa ông nhà thơ TGT và ông bình thơ NSĐ : các ông sướng lắm do quen sống giả dối nhiều rồi nên mới thích biến thành người điên để được sống thật phải không ? Thưa, người điên là người đã đánh mất lí trí, tức không còn ý thức được mình và cuộc đời. Một người không còn lí trí, không còn ý thức, phỏng có thể biết đâu là chân giả mà các ông dám cho cứ điên mới sống thật. Còn 99 % dân ta đang sống tỉnh như ngóe trên thiên đường xã hội chủ nghĩa chẳng lẽ toàn sống giả trá hay sao?”
Hay đây là cách mà ông Trần Mạnh Hảo từng sử dụng để phê phán truyện ngắn Dị hương và nhà văn Sương Nguyệt Minh rồi tiện đà “đá” luôn ông Hữu Thỉnh cách đây không lâu của ông trong bài viết “Dị hương – sao lại bịa chuyện bôi xấu vua Gia Long như thế?”. Xin trích ra đây mấy đoạn văn “phê bình văn học” của ông Trần Mạnh Hảo trong bài viết trên để mọi người thấy rõ hơn “phương pháp phê bình” văn học không giống ai của ông Hảo:
- “Hay có thể “Dị hương” đã viết theo định hướng của cấp trên : cần phải dứt khoát lên án Nguyến Ánh Gia Long, kẻ đã được cấp trên dán cho nhãn hiệu “cõng rắn cắn gà nhà” , không để bọn “cấp tiến” phục hồi danh dự cho các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn y như sự thật lịch sử đã diễn ra một cách khách quan, mà Hội nhà văn đã trao giải và hết lời ca ngợi “tác phẩm” này?”
- “Nếu một kẻ nào đó, lôi ông tổ của nhà văn Sương Nguyệt Minh ra để chửi bới thậm tệ như ông đã làm với vị Hoàng đế nước Việt Nam Gia Long, một người đã có công thống nhất đất nước, liệu ông Sương Nguyệt Minh có để yên hay sẽ nhảy dựng lên đòi kiện bọn vô cớ bôi bẩn ông cha mình ra tòa?”
- “Nếu một kẻ cầm bút vì lý do tiến thân nào đó, tự nhiên lôi ông tổ của nhà thơ CT ra vu cáo thậm tệ theo kiểu Sương Nguyệt Minh vu cáo tổ tiên của hoàng tộc Huế, liệu ông CT có dám trao giải thưởng cho hay không?”
Mọi người hãy đọc thử xem đây có phải là phê bình văn học đúng nghĩ không? Hay chỉ là những lời thóa mạ người khác rất vô cớ của ông Hảo? Đành rằng Dị hương của Sương Nguyệt Minh là chưa hay, không hay đi nữa (cứ cho là thế) nhưng để kết luận như ông Hảo vậy thì có phải là phê bình văn học không? Phương pháp phê bình như thế này phải là “có vấn đề” không? Xin hỏi viết như thế này ông Trần Mạnh Hảo có phải đã “chụp” một cái “mũ” rất lớn lên Sương Nguyệt Minh và Hữu Thỉnh không? – điều mà ông Hảo rất bực bội khi ông Nguyễn Sĩ Đại đã làm với ông.
Cho nên, mới nói sở dĩ những bài viết phê bình của ông Hảo mang lại hiệu quả không cao là vậy. Ngoài ra, qua những đoạn văn phê bình như thế này bạn đọc hãy công tâm nhìn nhận xem Trần Mạnh Hảo xuất phát từ tâm thế nào để viết phê bình? Rõ ràng ông Hảo không vận dụng những sở học; những hiểu biết của ông về những đặc trưng của văn học nghệ thuật; không vận dụng tư duy và phương pháp của nghiên cứu văn học để phê bình mà ông hầu như chỉ viết theo cảm tính và dựa những suy diễn “ngoài học thuật” để “phang” và “chê” thôi! Viết như vầy thì làm sao thuyết phục người khác, làm sao nâng tầm văn học, văn hóa lên được, trách sao mười mấy hai mươi năm qua ông Hảo cứ “la làng” mà văn học nước nhà vẫn chưa cho thấy có sự chuyển biến nào đáng kể?
3.2 Đối với vấn đề thứ hai: Vậy thì ông Hảo là người có tâm và có tài không (tôi xin được nhắc lại là tâm và tài nên hiểu trong phạm vi ông hảo là người viết phê bình văn học)? Với ai thì tôi không biết, ai hâm mộ và bốc thơm hay thần tượng ông Hảo là quyền cá nhân mỗi người tôi xin không can dự. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, tôi cho rằng, trong lĩnh vực phê bình văn học cái tâm và cái tài của ông Hảo lúc đầu thì có nhưng càng về sao càng bị xói mòn đi. Bởi rằng ngoài tập phê bình “Thơ phản thơ” thì hiệu quả tích cực mà các bài viết phê bình của ông Hảo mang lại (giúp nâng tầm văn hóa, văn học nước nhà) cho đến nay (như đã nói ở trên) là không đáng kể. Vì gần như người ta cứ làm ngơ với ông, như thể ông muốn viết gì cứ viết, “phang gì cứ phang”, “nhổ toẹt gì thì cứ nhổ toẹt”, mặc kệ ông vậy. Về điều này theo tôi ông Hảo kém hơn so với nhà thơ Trần Đăng Khoa khi “Viết chân dung và đối thoại”; hay nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên – những người mà theo tôi tìm hiểu tuy chẳng có Tiến sĩ, Giáo sư gì mà cả hai ông đều là những người viết phê bình thuộc hàng “cao thủ” nước nhà hiện nay. Có thể thấy, đâu phải Trần Đăng Khoa và Phạm Xuân Nguyên không phải không nhìn thấy những cái dở, cái tệ của văn học nước nhà nói chung (thậm chí họ thấy nhiều hơn ông Hảo thấy nữa). Tuy nhiên, họ viết phê bình bằng phương pháp rất khác Trần Mạnh Hảo: vô tư, khách quan; xác định rõ đối tượng và đặc biệt là không viết bằng “phương pháp cơ học” là “la làng” và “nhổ toẹt” như ông Hảo. Ở đây tôi muốn nói cùng một vấn đề như nhau nhưng tại sao Trần Đăng Khoa và Phạm Xuân Nguyên khi viết phê bình người đọc dễ chấp nhận hơn, thích thú hơn (ngay cả những người bị Trần Đăng Khoa và Phạm Xuân Nguyên “chê”) so với Trần Mạnh Hảo? Cho nên, mới nói phê bình văn học cũng là văn học mà văn học thì phải “đẹp”. Vì thế phải anh viết phê bình có muốn “khen” hay “chê’ gì cũng phải có “nghệ thuật”; phải “chê” và “khen” cho có “nghệ thuật”; cho nó “đẹp”.
Vấn đề này nếu ngẫm lại lẽ ra, ông Hảo nên “nhìn lại mình”, tại sao mình “la làng” như thế mà chẳng ai thèm nghe? Và nếu là một người biết tự vấn bản thân, lẽ ra ông Hảo phải thay đổi cách nghĩ cách, viết đi; thôi không “la làng” nữa vì “phương pháp” này không hiệu quả. Đằng này ông Hảo cứ “chấp mê bất ngộ”: “la” và “la lớn” hơn nữa. Oái oăm thay càng “la lớn” thì càng làm “ô nhiễm âm thanh” đường phố đó là chưa kể có khi còn phải tốn tiền để mua thuốc uống vì… “viêm họng” nữa. Nói tóm lại, nói về cái tài và cái tâm của ông Hảo ở lĩnh vực phê bình văn học theo tôi là lúc đầu là có nhưng càng về sau càng bị xói mòn nghiêm trọng.
4
Tới đây thì một vấn đề đặt ra nữa là, nếu cái tâm và cái tài của ông Hảo bị xói mòn như thế vậy tại sao có không ít người lại “thần tượng” ông Hảo, “tung hô” và “bốc thơm” ông cũng hết lời? Nếu nhìn qua các trang blog mạng sẽ thấy mỗi khi ông Hảo cho “xuất xưởng” bài phê bình nào đó là có không ít người comments để bày tỏ sự ủng hộ và bênh vực ông ngay? Có mâu thuẫn gì ở đây không? Thật ra không có gì là mâu thuẫn ở đây cả. Vấn đề này thật ra cũng không khó để giải thích.
Một là, từ góc nhìn văn hóa, như đã nói xã hội ta hiện nay đang rơi vào khủng hoảng về những thang giá trị khá là nghiêm trọng. Trong đó nổi bật hơn hết đó là khủng hoảng trong “cái nhìn” về con người. Trong cuộc sống những người có tài, có năng lực thực chất có khi lại là những người bị gạt ra rìa cuộc sống, ngược lại những kẻ bất tài vô dụng, lọc lừa lương lẹo lại được cất nhắc. Những chuyện như thế này ngẫm kỹ lại đang tồn tại nhan nhãn khắp nơi trong xã hội. Chính điều này lâu ngày nó “tích tụ” lại trong cái “cơ thể” của đời sống xã hội nhưng vì cái tâm lý tự ti và mặc cảm nhược tiểu nên trước những bất công ngang trái ấy có rất ít người dám đứng lên nói thật để thay đổi nó (ít nhất là ở cơ quan đơn vị mà họ đang công tác). Và như thế, trở lại vấn đề, như đã nói dù sao thì ông Trần Mạnh Hảo cũng có cái bản lĩnh ấy, ông dám nói và nói thẳng. Cho nên khi nghe ông Hảo nói như thế theo phản ứng của tâm lý xã hội, nhiều người lâu nay vốn bị “ức chế” nhưng không đủ dũng khí để cất lên tiếng nói trước hết đã vô cùng hả hê và đồng cảm với ông Hảo. Sau nữa là chân thành cảm ơn ông Hảo vì dù sao ông cũng đã thay họ nói lên những bức xúc, đã “giải thoát” những ấm ức bị dồn nén và tích tụ lâu ngày mà họ không biết “xả” vào đâu. Cho nên, ông Hảo được không ít người tung hô, trước hết là vì vậy.
Hai là, tuy nhiên vì trong lúc hân hoan vì ông Hảo đã nói hộ giùm mình có không ít người vì không phải là người am tường văn chương nghệ thuật (nhất là quan niệm về phê bình văn học nói chung) nên đôi khi thấy và nghe ông Hảo nói thế cứ nghĩ rằng ông Hảo là “số một”, là cây bút viết phê bình “mẫu mực” và “lỗi lạc”; “có tâm và có tài” nhất. Và đây chính là lý do quan trọng hơn khi có ông ít người cảm nhận ông Hảo chính là thần tượng của họ.
Ở đây, rõ ràng cũng không trách những người đã comments bày tỏ lời ngưỡng mộ ông Hảo được. Mà nếu có trách là trách bản thân ông Hảo lẽ ra phải biết những người ủng hộ mình là do họ xuất phát từ của cái phản ứng tâm lý bị dồn nén lâu ngày như đã nói ở trên mà thôi. Và đáng tiếc hơn là ông Hảo cứ ngày một “nghiện’ và “thích thú”, “đắm chìm” trong ánh hào quang của những lời tung hô trên cái mạng internet tuy vừa thật nhưng cũng vừa ảo này. Ông Hảo đã tự huyễn hoặc mình vì thấy có người gửi lời ủng hộ nhưng lại không chịu đối thoại nghiêm túc với những người đang “cùng ăn, cùng sống” với văn chương nghệ thuật thật ra cũng muốn đối thoại nghiêm túc với ông. Ông Hảo đã dễ dãi với những lời tung hô chỉ vài dòng cỏn con trên cái mạng ảo nhưng không nghiêm khắc với chính mình trong việc đưa ra giải pháp mang tính xây dựng để giúp phát triển văn học nước nhà sau khi đã thấy những trì trệ của nó. Cho nên, mới nói từ sau tập “Thơ phản thơ” và nhất là sau khi internet bùng nổ giúp kết nối nhiều người với nhau cái tài và cái tâm của ông Hảo ngày càng bị xói mòn hơn. Kể ra thì cũng đáng tiếc và đáng thương thay cho ông vậy.
Tôi đọc sách của giáo sư Cao Huy Thuần (quyển Khi tựa gối, khi cúi đầu) tôi rất thích thú với cách định nghĩa về người trí thức của giáo sư rằng: “Một người chọn chết trong lòng để sống. Một người chọn sống trong cái chết. Đừng hỏi ai đúng ai sai nếu cách họ sống và cách họ chết đánh thức suy nghĩ của mọi người. Ai đánh thức, không cho xã hội ngủ người ấy là trí thức, bất kể họ là ai. Bởi vì trí thức không có vai trò nào khác: họ là, và chỉ là lương tâm của thời đại.”
Ông Hảo – ở góc nhìn nào đó theo tôi là người lúc đầu đã biết “đánh thức không cho xã hội ngủ” bằng tài thơ và một số bài phê bình rất hay (những bài phê bình ông viết về Hoài Thanh hay Chế Lan Viên chẳng hạn…) nhưng dần dà về sau không hiểu sao ông Hảo càng “la làng” trong lúc viết phê bình nhưng mọi người vẫn cứ thản nhiên… ngủ? Và theo tôi, ở góc nhìn nào đó ông Hảo chính là một bi kịch hi hữu của xã hội Việt Nam trong mấy mươi năm qua rất cần được lý giải. Vì thế, tôi cho rằng xã hội còn nhiều người hâm mộ ông Hảo viết phê bình theo kiểu “chửi”, kiểu “chê”, kiểu “nhổ toẹt”, kiểu “phỉ báng”, kiểu “la làng”… một cách mù quáng thì đó là một đại họa, một thảm họa đối với văn hóa và xã hội.
5
Trước đây, tôi đọc Chân dung nhà văn của nhà thơ Xuân Sách thấy có một điều băn khoăn khó nghĩ đó là tất cả những chân dung văn học khác nhà thơ Xuân Sách đều sử dụng tên những tác phẩm của các nhà văn nhà thơ để khái quát lên như một dấu hiệu để người đọc tự suy ngẫm và khám phá các chân dung ấy. Thế nhưng, duy nhất chỉ Trần Mạnh Hảo thì nhà thơ Xuân Sách lại huỵch tẹt ra như thế này:
Ôi, thằng Trần Mạnh Hảo
Đi phỏng vấn Chí Phèo
Hắn chết từ tám hoánh
Đời mày vẫn gieo neo
Còn cái lão Bá Kiến
Đục bản in thơ mày
Bao giờ thì say rượu
Bao giờ thì ra tay?
Thật sự lúc đầu tôi không hiểu sao nhà thơ Xuân Sách không để người đọc tự khám phá chân dung ông Trần Mạnh Hảo mà lại nói thẳng ra như thế? Có “dụng ý nghệ thuật” gì ở đây chăng? Và đặc biệt tôi lại chú ý hai câu: Bao giờ thì say rượu/Bao giờ thì ra tay? Tại sao lại nói Trần Mạnh Hảo như vậy? Xin thưa với bạn đọc, mới đêm qua đây thôi, tôi đã hiểu được điều này rồi. Tôi hiểu được là nhờ chính ông Hảo đã tự bộc bạch cho tôi biết trong bài viết mới nhất của ông đăng trên trannhuong.com, bài ÔNG LẠC HUẤN : ĐỐI THOẠI HAY ĐỐI THỤI? (Và mặc dù cảnh tỉnh người khác như vậy thế nhưng để bắt đầu bài viết của mình ông Hảo đã cẩn thận mở ngoặc đơn “thụi” trước một “thụi” đối với nhiều người phản biện ông rằng: (Đối thoại với trường phái ăn theo N84!). Kinh thay, hết ý kiến, hết biết ông Hảo luôn, vậy mà cứ mở miệng ra là “văn hóa phê bình” với “văn hóa tranh luận” này nọ. Chán phèo!).
Trở lại vấn đề, ông thế Hảo tự bộc bạch về mình như thế nào? Ông nói rằng, “hai chấm xuống hàng, mở ngoặc kép”:
“Thú thực với ông Lạc Huấn, có nhiều khi buồn quá, một mình xơi hết vài vò rượu, máu “ Sở cuồng” nổi lên, chúng tôi bèn hứng chí đốt đuốc đi tìm đền để đốt. Nhưng bi kịch thay, đi khắp xứ sở này, chẳng tìm đâu ra đền để đốt. Cái ông Lạc Huấn đại ngôn gọi là đền, chẳng qua chỉ là vài ba túp lều rách mà thôi, đốt làm gì, mang tiếng. Than ôi, bi kịch của kẻ muốn đốt đền mà không tìm ra đền để đốt mới sầu muộn làm sao! Nếu ông Lạc Huấn rủ lòng thương, xin chỉ dùm đền nằm ở đâu, chúng tôi sẽ tìm tới để đốt chơi.”
Nhờ những dòng này của ông Hảo mà giờ đây tôi đã hiểu, ông Hảo trước lúc muốn làm việc gì đó để tăng thêm “dũng khí” cũng đã phải cậy nhờ đến… rượu giống hệt anh Chí Phèo của Nam Cao phải nốc rượu vào để tăng thêm “hưng phấn” đi tìm bà cô Thị Nở “thanh toán” nhưng “ma đưa lối quỷ dẫn đường” thế nào đã vào nhầm nhà Bá Kiến nên mới xảy ra bi kịch. Thì ra ông Trần Mạnh Hảo cũng hay “say sưa” và “máu me” lắm nên nhà thơ Xuân Sách mới vẽ chân dung ông Hảo vậy chăng?
6
Để kết thúc bài viết này, tôi xin được thưa với ông Trần Mạnh Hảo là, dù sao thì tôi cũng đáng tuổi con cháu ông nên thành thật thưa rằng tôi vẫn giữ phép tôn kính với cá nhân ông với tư cách một công dân bình đẳng ngoài xã hội đúng với truyền thống của dân tộc Việt: “kính lão đắc thọ” và dù sao cũng là “người chung một nước”. Trước khi dứt lời xin gửi tặng ông bài thơ “con cóc” của tôi và chúc ông nhiều sức khỏe, thanh thản và nhẹ nhàng trong cuộc sống.
Lạc
Có khi lạc một giọt sương
Để rồi mất cả đời thường ban mai
Có khi lạc một anh tài
Để rồi mất cả tương lai giống nòi
Có khi lạc chỉ một lời
Để rồi chết cả vạn đời sinh linh
Có khi lạc một ân tình
Để rồi mất cả trọn nguyên linh hồn
Có khi lạc một nỗi buồn
Để rồi mất cả niềm vui hành trình
Có khi lạc một ánh nhìn
Để rồi mất cả thâm tình ngàn năm
Có khi lạc một hạt mầm
Để rồi mất cả trăm năm cánh rừng
Có khi lạc một bước chân
Để rồi mất cả mênh mông con đường
Có khi lạc một tình thương
Để rồi mất cả miên trường nỗi đau
Có khi lạc một ước ao
Để rồi mất cả thanh tao kiếp người
Có khi lạc một nụ cười
Để rồi mất cả đất trời hồn nhiên
Có khi lạc một đồng tiền
Thế mà lại được vẹn nguyên CON NGƯỜI.
.
Cần Thơ, 18/10/2011
Nguyễn Trọng Bình
Nguồn: Trần Nhương.com


Được sửa bởi Admin ngày Thu Nov 17, 2011 9:31 pm; sửa lần 1.
Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 60
Join date : 01/09/2011
Age : 33
Đến từ : Vĩnh Long

https://nhutan.123.st

Về Đầu Trang Go down

MỘT LẦN NGHIÊM TÚC VÀ THẲNG THẮN VỚI ÔNG TRẦN MẠNH HẢO Empty Tiếng chó sủa

Bài gửi  Admin Thu Nov 17, 2011 9:30 pm

Tiếng chó sủa

(Thư ngỏ gởi Ngài giảng viên Đại học Cần Thơ, Nguyễn Trọng Bình)


Chào Ngài, để khỏi mất thì giờ của Ngài, tôi xin được vào thẳng câu chuyện. Tôi là một công dân, không sống bằng nghề văn chương hay nghệ thuật, có đọc được bài: “Một lần nghiêm túc và thẳng thắn vơi ông Trần Mạnh Hảo”, nên tôi muốn gởi đến Ngài những suy nghĩ của mình về bài viết này.

Thưa Ngài, theo thiển ý của tôi thì nhà thơ Trần Mạnh Hảo là người am tường về văn chương chữ nghĩa, nên ông Hảo viết phê bình là giúp cho những bạn đọc ít hiểu biết như tôi ngộ ra những cái hay cái chưa hay trong nền văn học nước nhà, chớ ông Hảo không có ý định dùng cán bút làm đòn xoay cho nền văn chương của một quốc gia. Nếu Ngài có ý truy cứu trách nhiệm cho ai đã làm cho nền văn học nước nhà chậm tiến, thì mong Ngài nên đào bới ở một hành lang khác. Một mình Hảo, trói gà không chặt, làm sao đủ sức đội đá vá trời.

Ngài phê phán rằng những bài phê bình văn học của ông Hảo đã bộc lộ ra “một lỗ hổng chết người đó là tính hệ thống, tính khái quát vấn đề” Theo thiển ý của tôi, những bài viết gần đây của ông Hảo, là những bài báo, vạch trần những nạn chia xôi chia thủ, xung quanh những giải thưởng văn học đầy tai tiếng. Những bài này không phải là những công trình nghiên cứu mang tính từ chương, kinh điển, nên Ngài đòi hỏi ở một bài báo phải có “tính này, tính nọ” là quá khắt khe đến mức hơi lố bịch.

Đọc văn xuôi ông Hảo, tôi thấy nhiều nhận định sắc sảo, được thể hiện ra chính xác như những định nghĩa toán học. Thảng hoặc, tôi gặp đâu đó hương vị của Thánh Kinh, của triết học, lại có khi nghe thấy giọng điệu chua ngoa, trào lộng rất Bắc kỳ. Tuy vậy, tôi vẫn tuyệt đối tôn trọng ý kiến của Ngài. Tôi tin rằng Ngài sẽ là người có đủ tài vẹn đức để vá “cái lỗ chết người” này lại, để mang lại sự chuyển biến đáng kể cho nền văn học nước ta.

Ngài mang ông Hảo ra so sánh với Trần Đăng Khoa và Phạm Xuân Nguyên. Cách so sánh này làm tôi nghĩ đến công việc của một tay lái lợn: ngắm nghía, sờ mó, nghe ngóng, khen bên này chê bên kia, để mặc cả, để dìm giá. Nếu tôi là Trần Đăng Khoa, hay Phạm Xuân Nguyên, mặc dù được khen, nhưng vẫn thấy xấu hổ, vì lời khen quá thô lỗ, sống sượng. Giống như một tay có máu dê, mới gặp cô gái lần đầu đã khen “vú em to lắm” ngay giữa chốn đông người.

Hơn nữa, thưa Ngài, văn chương cũng giống đời người “sống gởi thác về”. Những cái Ngài cho là đúng, là hay bữa này, chắc gì đã đúng đã hay ở ngày mai. Nhìn lại những tác giả bị thoá mạ, bị bỏ rơi như những mớ giẻ rách, thậm chí bị tù tội trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm thì Ngài hiểu điều này.

Thưa Ngài, dựa vào đâu mà Ngài biết được ông Hảo “nghiện và “thích thú”, “đắm chìm” trong ánh hào quang của những lời tung hô trên cái mạng internet” Tôi e rằng Ngài đã mắc cái tật “suy bụng ta ra bụng người”. Tôi nghe người ta đồn rằng ngay từ khi ở tuổi 15, 16 học lớp 9, lớp 10, ông Hảo đã lừng lững là một học sinh giỏi của tỉnh Nam Định, thường giật giải trong các kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc thời đó. Ông Hảo nổi tiếng là một học sinh hiếu học, bớt phần gạo mỗi ngày, bán đi lấy tiền mua dầu đốt đèn đọc sách. Các thày giáo thường đưa tên ông Hảo ra làm tấm gương cho những lớp sau. Ông Hảo cự tuyệt ý định của cha mẹ muốn đưa ông vào chủng viện học để ra làm linh mục. Ông xung phong đi bộ đội. Ông lăn lộn trong chiến trường khói lửa. Ông xuất hiện thường xuyên trên mọi văn đàn lớn nước nhà. Nhiều người yêu thích thơ ông. Vài comments trên mạng, ăn nhằm gì so với những thành tựu mà ông đã gặt hái được bằng mồ hôi, nước mắt, và trí tuệ của mình.

Lẽ nào Ngài lại đặt điều cho người ta như vậy.

Trong bài viết Ngài viện dẫn ý kiến của giáo sư Cao Huy Thuần rằng: “Ai đánh thức, không cho người khác ngủ, người ấy là trí thức, bất kể họ là ai”, rồi Ngài tỏ ra rất tâm đắc với định nghĩa này. Nhưng với hiểu biết của tôi thì ai không cho người khác ngủ là người mất lịch sự. Không tôn trọng giấc ngủ của người khác là kẻ thô lỗ. Nói vậy, nhưng tôi không có ý bác lại ý kiến của Ngài, mà tôi chỉ muốn gởi đến Ngài một thông điệp đã cũ mèm, trẻ con cũng biết là: Không thể bắt người khác phải thích những điều mình thích. Ngài khoái những em chân dài, thì Ngài cũng để cho người khác yêu mấy cô chân ngắn. Ông Hảo có “phang”, “chê”, hay “nhổ toẹt” có sao đâu, Ngài không thích giọng văn này, nhưng nhiều người khác thích. Hơn nữa, đó cũng là một cách góp giọng, góp điệu làm cho nền văn học nước nhà thêm phong phú, thêm màu sắc. Chẳng lẽ ai cũng phải viết theo kiểu “một là, hai là”, “thứ nhất, thứ nhì” đạo mạo cứ y như nghị quyết. Thứ văn này giành cho những bạn đọc là Đảng viên, còn thập loại chúng sinh như tụi tôi làm sao tiêu hóa nổi những món sơn hào hải vị cao sang ấy.

Nghe nói Ngài làm nghề dạy học, nên có lẽ Ngài mắc bịnh nghề nghiệp. Ngài luôn đè người ta ra để Ngài dạy bảo. Nào là “phải nghiêm khắc với chính mình”, phải “nhìn lại mình”, phải“nghiêm túc và thẳng thắn”, “ông Hảo phải biết…” Của đáng tội, đọc Ngài, tôi thấy Ngài chưa đủ bản lĩnh và tài năng để xách dép chữ nghĩa cho ông Hảo. Ngài có thể múa rìu trước mặt mấy em học trò Cần Thơ, nhưng làm sao Ngài có thể giảng dạy chữ nghĩa với những bậc thầy. Nói thiệt với Ngài, nếu Ngài bớt giảng dạy, bớt lên lớp, bớt khuyên răn, thì tôi cũng có thể phải lòng văn chương của Ngài.

Xuân Sách vẽ chân dung Trần Mạnh Hảo bằng thơ:

Ôi, thằng Trần Mạnh Hảo

Đi phỏng vấn Chí Phèo

Hắn chết từ tám hoánh

Đời mày vẫn gieo neo

Còn cái lão Bá Kiến

Đục bản in thơ mày

Bao giờ mày say rượu

Bao giờ mày ra tay?

Ngài thể hiện rằng Ngài rất “băn khoan, khó nghĩ” tại sao Xuân Sách “lại huỵch tẹt ra thế này”, “có dụng ý nghệ thuật gì ở đây chăng?” Rồi Ngài “chú ý đến hai câu: Bao giờ thì say rượu/Bao giờ thì ra tay”, và thế là sau bao năm nghiền nghẫm, kể từ ngày bài thơ trên đươc công bố, đêm qua Ngài đã khám phá ra: “ông Hảo trước lúc muốn làm việc gì đó để tăng thêm dũng khí, cũng phải nhờ cậy đến rượu”, “thì ra ông Trần Mạnh Hảo cũng hay say sưa và máu me lắm nên nhà thơ Xuân Sách mới vẽ chân dung ông Hảo vậy chăng”

Còn tôi, người đang viết cho Ngài, kiến thức văn học ở trình độ lớp 10/10 của miền Bắc trước đây. Điểm trung bình của môn văn được ghi trong học bạ thường là 5 hoặc 6/10. Khi đọc bài thơ này lần đầu tôi đã nhận ra một bi kịch đến với ông Hảo, và đặt ra bao nhiêu những câu hỏi, mà không tìm thấy câu trả lời.

Chí Phèo đã “chết từ tám hoánh”, mà sao Bá Kiến vẫn còn sống đến ngày nay? Cứ giả thiết rằng, sau cú đâm chí mạng của Chí Phèo, Bá Kiến đã được các bác sỹ phẫu thuật cấp cứu kịp thời, vì lão có tiền. Nhưng đến Cải Cách Ruộng Đất thì Đảng ta hóa vàng cho lão tận gốc rễ rồi. Tại sao lão còn sống? Ai là người đã làm Bá Kiến phục sinh?

Bá Kiến không những còn sống, mà sống nhởn nhơ, phây phây, ăn trên ngồi chốc, ngang ngược làm càn, dám “đục bản in thơ mày”. Sao Bá Kiến không đục bản in thơ Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, hay Hữu Thỉnh, mà lại chỉ đục riêng bản in thơ Trần Mạnh Hảo? Đằng sau Bá Kiến còn ai, mà dám cả gan làm cho đời Hảo “gieo neo”? Hội Nhà Văn là chốn của những tao nhân mặc khách, mà sao Bá Kiến chui vô được? Ai kết nạp cho lão? Lẽ nào Đảng lại để cho Bá Kiến nhởn nhơ gây tội ác như vậy? Sao Đảng không tiêu diệt Bá Kiến? Để mình Hảo, đơn phương độc mã mượn rượu “ra tay”?

Thưa Giảng viên Đại học, hình như Ngài không phục Chí Phèo, còn tôi thì ngược lại. Tôi coi Chí Phèo là một anh hùng, dám đâm Bá Kiến trực diện mà chẳng cần phải phục kích, đánh lén, hay giấu mặt. Tôi thương hắn lắm. Hắn khố rách áo ôm. Hắn thân tàn ma dại, một thân một mình mà dám đương đầu với Bá Kiến, vừa giàu có, vừa quyền lực, lại đa mưu túc kế. Nhưng Chí vẫn nói lên khát vọng của mình bằng nhát dao định mệnh.

Thưa Ngài, trong câu thơ “Bao giờ mày say rượu”, tôi không nghĩ rằng Xuân Sách ám chỉ những bữa nhậu “say sưa và máu me”, như ngài phán. Xuân Sách ngụ ý một cuộc say khác, một cơn say hàm chứa một ý tưởng cao cả và ý nghĩa, nằm bên ngoài nghĩa đen của nó. Mà thôi, tranh luận làm gì cho nhọc lòng. Ngài hiểu bài thơ thế nào là quyền của Ngài. Nhưng nó đã buộc tôi phải nghi ngờ về khả năng cảm thụ văn học của Ngài. Câu, chữ, bố cục và cả ý tưởng được thể hiện trong bài của Ngài cũng đã làm tôi nghi ngờ về độ tin cậy với những ai đã đưa ngài lên bục giảng bậc Đại học.

Thưa Ngài, bài Ngài viết lúc đầu được đăng trên blog của nhà văn Trần Nhương, để rộng đường dư luận, ông Hảo đã yêu cầu Đàn Chim Việt đăng lại. Bài viết của Ngài không hề bị biên tập. Tên Ngài vẫn được giữ nguyên. Nếu tôi là Ngài, thì tôi sẽ cảm ơn ông Hảo và Đàn Chim Việt đã tái bản tác phẩm cho Ngài, và Ngài cũng nên tự hào vì mỗi bài viết của Ngài vừa xuất xưởng đã được các báo giành nhau đăng tải. Vậy mà sao Ngài lại nặng lời với ông Hảo là “ăn cắp”, là “lá mặt lá trái”. Thứ ngôn ngữ này tôi chỉ nghe thấy trên bến phà Bắc Cần Thơ, mỗi khi có dịp xuống Sóc Trăng ăn bánh bía.

Thưa Ngài, theo tôi được biết thì tờ báo mạng Đàn Chim Việt, thấm nhuần những giá trị nhân bản của Âu Châu và Bắc Mỹ. Họ tuyệt đối tôn trọng quyền tự do diễn đạt của mỗi cá nhân. Ngài có thể tham gia, mà không hề có một sự phân biệt đối xử nào. Tất nhiên dưới bài viết là những lời bình chú của bạn đọc cũng được tôn trọng. Ngài có quyền thích hoặc không thích những comments này, nhưng ngài không có quyền gọi bạn đọc là những “cóc nhái”, “ễnh ương”, “côn trùng”. Đại tá Gaddafi gọi những người nổi dậy là “bầy chuột”, bị dân chúng phẫn nộ. Bây giờ ngài gọi bạn đọc là “cóc nhái, ễnh ương, côn trùng”, không biết bạn đọc có nên phẫn nộ không. Vậy mà tôi cứ tưởng Giảng viên văn chương là những người hơn ai hết cẩn trọng trong cách dùng từ, khiêm tốn trong giao tiếp, mô phạm trong viết lách. Ngài đã có lần vén miệng lên để dạy bảo ông Hảo rằng “Có muốn khen chê gì cũng phải có nghệ thuật… cho nó đẹp”. Vậy sao ngài lại chơi không đẹp với bạn đọc.

Để kết thúc bài này, tôi kể Ngài nghe câu chuyện nhỏ. Một nhà văn nọ, sống ở thành phố Hồ Chí Minh, đã tự nguyện nhận mình là “con chó của Đảng”. Rồi ông ta cũng tự nhận nhiệm vụ “mỗi khi thấy người lạ, là tôi cứ sủa ầm lên để Đảng cảnh giác”. Chờ mãi, tôi cũng chẳng thấy ông ta sủa tiếng nào to cả. Bữa nay tôi đọc Ngài, nào là “lỗ hổng chết người”, nào là “một đại họa, một thảm họa đối với văn hóa xã hội”, nào là “một ca hi hữu.. cần được lý giải”. Thành thực tôi nghe tiếng sủa của Ngài to hơn vị nhà văn kia nhiều.

Nhân đây tôi cũng muốn nhắn với Ngài. Tôi chưa gặp mặt ông Hảo lần nào. Tôi không có bất cứ một mối quan hệ gì với ông Hảo. Tôi viết bài này chỉ với một mục đích được giãi bày những suy nghĩ của mình cùng Ngài và những bạn đọc thân yêu khác.

Kính chào Ngài,

© Trần Hồng Tâm

Nguồn: Đàn Chim Việt



Admin
Admin
Admin

Tổng số bài gửi : 60
Join date : 01/09/2011
Age : 33
Đến từ : Vĩnh Long

https://nhutan.123.st

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết